Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Hà Nam
Đánh thức tiềm năng, khơi thông nguồn lực đưa du lịch Hà Nam “cất cánh”

Với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú cùng kho tàng di sản văn hóa giàu bản sắc và sự quyết tâm của các cấp, ngành, những năm gần đây, du lịch Hà Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nam đã tăng kỷ lục khoảng hơn 4,3 triệu lượt, tăng 38,87% so với năm 2022; doanh thu du lịch ước đạt 3.382 tỷ đồng. Đặc biệt, việc đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện quy mô lớn đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về mảnh đất và con người Hà Nam trong lòng mỗi du khách, đồng thời nâng cao vị thế của du lịch Hà Nam. Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, Hà Nam đang quyết tâm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực để đưa du lịch tỉnh nhà vươn lên một tầm cao mới, xây dựng Hà Nam thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Vùng đất giàu tiềm năng về di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên

Hà Nam là tỉnh nằm ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, với diện tích tự nhiên hơn 860 km², có mạng lưới giao thông kết nối thuận tiện với các tỉnh trong khu vực và cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh mở rộng giao lưu, hợp tác với các địa phương và khu vực. Đặc biệt, với vị trí nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt nên Hà Nam có lợi thế rất quan trọng để thu hút mạnh mẽ thị trường khách du lịch xuyên Việt và thị trường khách du lịch cuối tuần của Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận.

Tài nguyên du lịch tự nhiên của Hà Nam khá phong phú và tương đối đặc thù do sở hữu địa hình nhiều núi đá vôi kết hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều đã mang lại cho Hà Nam nhiều cảnh quan đặc sắc dạng Karst với những thắng cảnh nổi tiếng như: Hồ Tam Chúc, Hồ Ba Hang, Ngũ Động Sơn, hang Luồn, Kẽm Trống, Bát Cảnh Tiên… Bên cạnh đó, hệ thống sông hồ dày đặc với vẻ đẹp thơ mộng của sông Hồng, sông Đáy, sông Châu cùng với hệ sinh thái nông nghiệp vùng chiêm trũng điển hình là những nét độc đáo, có khả năng phát triển du lịch.

Mảnh đất Hà Nam còn là nơi hội tụ nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng văn hóa dân gian… Không chỉ đóng vai trò to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc tới các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, các di tích lịch sử, văn hóa còn được xác định là nguồn tài nguyên dồi dào để Hà Nam phát triển các loại hình du lịch văn hóa một cách bền vững…Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 2.000 di tích các loại. Trong đó, 230 di tích được xếp hạng (2 Di tích quốc gia đặc biệt, 95 di tích cấp Quốc gia và 133 di tích cấp tỉnh). Ngoài ra, toàn tỉnh có 4 Bảo vật quốc gia được công nhận là Trống đồng Ngọc Lũ, Trống đồng Tiên Nội, Bia Sùng Thiện Diên Linh, Bia đá chùa Giàu...

Cùng với kho tàng di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng khá phong phú và riêng có. Trong đó, có 14 di sản văn hóa phi vật thể được ghi tên vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là nghệ thuật trình diễn dân gian múa hát Dậm Quyển Sơn (Thi Sơn, Kim Bảng), múa hát Lải Lèn (Bắc Lý, Lý Nhân), hát Trống quân (Liêm Thuận, Thanh Liêm); Nghệ thuật trình diễn dân gian và Tập quán xã hội Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Hà Nam...; các lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống như: Lễ hội đền Trần Thương ( Lý Nhân), Lễ hội đền Lảnh Giang, lễ hội chùa Đọi Sơn, Lễ Tịch điền Đọi Sơn (thị xã Duy Tiên); lễ hội Chùa Bà Đanh ( Kim Bảng), Lễ hội vật võ Liễu Đôi (huyện Thanh Liêm); làng nghề dệt lụa Nha Xá, thêu ren Thanh Hà, làm trống Đọi Tam... Không chỉ vậy, mỗi vùng quê trên mảnh đất Hà Nam lại có những món ăn đặc trưng mà du khách khi ghé thăm đều muốn thưởng thức và mua về làm quà, tiêu biểu như: cá kho Nhân Hậu, chuối ngự Đại Hoàng (Lý Nhân); bánh cuốn chả, bánh đa cá rô (Phủ Lý); rượu Vọc (Bình Lục), bánh đa Kiện Khê (Thanh Liêm) cùng rất nhiều sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng và sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu khác…

Đặc biệt, kể từ khi Khu du lịch Tam Chúc - Quần thể danh thắng tâm linh rộng lớn với chùa Tam Chúc được biết đến là ngôi chùa lớn nhất thế giới bắt đầu mở cửa đón khách (năm 2019), Hà Nam đã trở thành một trong những điểm đến mới hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan. Đến nay, Khu du lịch Tam Chúc cơ bản đáp ứng các tiêu chí của một Khu du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, hình thành thương hiệu khu du lịch, có đóng góp quan trọng đối với phát triển KT-XH của địa phương và cùng với các cụm du lịch phụ cận trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn của vùng đồng bằng sông Hồng, duyên hải Đông Bắc và cả nước.

 Hệ thống nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch ngày càng được Hà Nam quan tâm, đầu tư, phát triển với chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của khách du lịch

Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Trên cơ sở nhận diện rõ những tiềm năng lợi thế phát triển du lịch, bám sát quan điểm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực, chủ động phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch các khu, điểm du lịch. Đồng thời, tập trung đầu tư, nâng cấp chất lượng hạ tầng các khu, điểm du lịch đã được quy hoạch.

Đến nay, toàn tỉnh có 1 khu du lịch, 12 điểm du lịch được công nhận; 05 khu, điểm du lịch được quy hoạch là khu, điểm du lịch trọng điểm. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí cao cấp được đầu tư xây dựng như Khách sạn Mường Thanh Luxury Hà Nam, Vinpearl Melia Phủ Lý, sân golf Kim Bảng, khu phức hợp thể thao tại xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng. Toàn tỉnh có gần 200 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 02 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 09 khách sạn 3 sao... với tổng số gần 4.000 phòng đạt tiêu chuẩn và gần 30 doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch hoạt động ổn định. Đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ trong các cơ sở kinh doanh du lịch ngày càng tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng đáp ứng yêu cầu của khách du lịch.

Không gian đi bộ gắn với phát triển thương mại, du lịch tại TP Phủ Lý 

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số sản phẩm du lịch đặc trưng như: sản phẩm du lịch nông thôn với các làng nghề truyền thống: làng cá kho Đại Hoàng, làng Trống Đọi Tam, làng lụa Nha Xá... Du lịch văn hóa - tâm linh, lễ hội: Chùa Tam Chúc, chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Cây Thị, chùa Phật Quang; chùa Bà Đanh, chùa Long Đọi Sơn, đền Trần Thương, đền Lảnh Giang; lễ hội Tịch Điền, lễ phát lương Đền Trần Thương, lễ hội Chùa Tam Chúc…Việc khai trương và đưa vào hoạt động Không gian đi bộ gắn với phát triển thương mại, du lịch tại TP Phủ Lý và thị xã Duy Tiên đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan và mua sắm; hỗ trợ phát triển các mô hình du lịch cộng đồng và sản phẩm làng nghề.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) chia sẻ: "Sau hơn 10 năm, tôi mới có dịp trở lại thăm Hà Nam. Điểm đến tôi chọn cho chuyến đi lần này là: Chùa Tam Chúc – Chùa Địa Tạng Phi Lai –Chùa Phật Quang – Chùa Cây Thị. Sau 2 ngày trải nghiệm tại các điểm du lịch tâm linh ở Hà Nam, tôi cảm thấy rất ấn tượng bởi vẻ đẹp thiên nhiên vô cùng hùng vĩ, thơ mộng của chùa Tam Chúc; vẻ đẹp yên bình, thanh tịnh của chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Cây Thị…. Và đặc biệt ấn tượng hơn cả là hạ tầng du lịch của Hà Nam ngày càng phát triển, đường xá rộng rãi, kết nối thuận tiện giữa các điểm đến. Mỗi nơi mang đến cho tôi một trải nghiệm, một cảm nhận vô cùng khác biệt và thú vị. Chắc chắn tôi sẽ đưa gia đình, người thân trở lại Hà Nam vào một dịp gần nhất."

Du khách Maya Yamamoto (Nhật Bản) chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi tới Hà Nam và vô cùng ấn tượng bởi cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa và con người nơi đây. Trong chuyến ghé thăm Hà Nam lần này, tôi đã được khám phá vẻ đẹp của chùa Tam Chúc, ngôi chùa được biết đến là lớn nhất thế giới. Khung cảnh nơi đây rất hùng vĩ, thanh bình. Khi trở về Nhật, tôi sẽ kể cho các bạn của tôi về những cảnh đẹp ở Hà Nam mà tôi được thấy. Chắc chắn tôi sẽ còn trở lại nơi đây…"

Đặc biệt, trong năm 2023, Du lịch Hà Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ thông qua tổ chức thành công chuỗi hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch đặc sắc, hấp dẫn tại Tuần văn hóa du lịch Hà Nam 2023 chủ đề “Hà Nam - Hành trình kết nối” như: Lễ khai mạc Tuần văn hóa du lịch Hà Nam và và Chương trình giao lưu nghệ thuật truyền thống kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản; Lễ hội khinh khí cầu Fly up Viet Nam - Hà Nam 2023; Lễ phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; Giải Việt dã “Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng”; Giải đua thuyền tỉnh Hà Nam năm 2023; Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Hà Nam... cùng nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, du lịch, ẩm thực như: biểu diễn nghệ thuật hài kịch Kyogen của các nghệ sỹ đến từ Nhật Bản;thưởng thức trà đạo, biểu diễn múa rối nước nghệ thuật, triển lãm văn hoá Việt Nam - Nhật Bản… để lại ấn tượng đối với du khách khi về với khu du lịch Tam Chúc.

Bên cạnh đó, việc đăng cai tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao quy mô lớn như: Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc Vesak - 2019; Lễ vinh danh nghệ sĩ tiêu biểu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn năm 2022; Lễ hội đường phố- Carnival Hà Nam 2022; Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu chèo toàn quốc năm 2023; Giải Bóng đá nữ vô địch U19 Quốc gia; Giải đua thuyền Cúp Canoeing toàn quốc năm 2023 … đã góp phần thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước đến với Hà Nam.

Với quyết tâm chính trị cao cùng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, du lịch Hà Nam đang dần phục hồi và có những dấu hiệu tăng trưởng vượt bậc. Năm 2022, Hà Nam đón hơn 3 triệu lượt khách, đạt 119% kế hoạch năm. Tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 2.000 tỷ đồng, đạt 121% kế hoạch năm. Đặc biệt, năm 2023, Hà Nam bứt phá đón hơn 4,3 triệu lượt khách, tăng 38,87% so với năm 2022, đạt 115% kế hoạch năm. Doanh thu du lịch ước đạt 3.382 tỷ đồng, tăng 57,52% so với năm 2022, đạt 109% kế hoạch năm.

Vượt qua nhiều địa phương nổi tiếng trên thế giới về du lịch, Hà Nam lần đầu tiên được Giải thưởng Du lịch Thế giới 2023 (World Travel Awards 2023) vinh danh là "Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới năm 2023". Giải thưởng ý nghĩa này không chỉ khẳng định tiềm năng, sức hấp dẫn về tài nguyên thiên nhiên, giá trị di sản văn hóa của Hà Nam mà còn góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nam tới bạn bè quốc tế, đồng thời khẳng định nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân địa phương.

 
Ký kết thỏa thuận chương trình hợp tác toàn diện giữa UBND tỉnh Hà Nam với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)

Liên kết để du lịch vươn xa

Với vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan tươi đẹp, con người thuần hậu, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, tỉnh Hà Nam đã ưu tiên tập trung đầu tư quy hoạch không gian di tích gắn với quy hoạch các khu, các loại hình, các tuyến du lịch, xây dựng thành các tuyến liên kết các điểm du lịch nhằm tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách tham quan, đặt trong mạng lưới liên kết du lịch với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và cả nước. Tổ chức khảo sát, nghiên cứu cụ thể để xác định từng điểm du lịch (di tích) thuộc hành trình, theo phương pháp nghiên cứu liên ngành...

Hiện nay, các địa phương đang tiến hành rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch phát triển các công trình di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề có giá trị làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển du lịch theo định hướng gắn kết thành các chuỗi du lịch - dịch vụ nội tỉnh, liên tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng lộ trình liên kết với các vùng đầu mối tập trung khách du lịch lớn của cả nước để quảng bá; kết hợp với các hãng lữ hành lớn trong việc khai thác và tổ chức các tour du lịch mới hấp dẫn về tỉnh; kết hợp với các khu du lịch trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng để hình thành các trục du lịch văn hóa tâm linh độc đáo theo các tuyến chính như “Bái Đính - Tràng An - Tam Chúc”, “Chùa Hương - Tam Chúc”, tuyến kết nối hai di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (Hà Nam) và Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần (Nam Định)…

Khách du lịch quốc tế tham quan tại Khu du lịch Tam Chúc

Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh tiếp tục được tăng cường. Cùng với việc tham dự liên hoan, hội chợ, triển lãm, chương trình khảo sát, hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch… trong nước, năm qua, ngành du lịch địa phương còn quảng bá tại Hội chợ Du lịch quốc tế  ITB tại thủ đô Berlin, Đức; Hội chợ Du lịch quốc tế ITE - Hồ Chí Minh 2023, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023; Hội nghị Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12 tại Hà Nội...

Trong khuôn khổ Tuần văn hóa du lịch Hà Nam 2023, ngày 19/5, Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam được tổ chức tại Khu du lịch Tam Chúc. Đây cũng là sự kiện du lịch mở màn của cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 18/5/2023 theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Nhằm thúc đẩy kết nối, quảng bá du lịch Hà Nam trên bản đồ du lịch cả nước, tại hội nghị quan trọng này đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận chương trình hợp tác toàn diện giữa UBND tỉnh Hà Nam với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa UBND tỉnh Hà Nam và một số Tập đoàn, Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành trong nước. Qua đó, góp phần quảng bá mạnh mẽ về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển dịch vụ du lịch; những nét đặc sắc hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch, các điểm đến và sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Vào cuộc đồng bộ, quyết liệt để đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng

Với tầm nhìn đưa địa phương trở thành Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của Vùng Thủ đô Hà Nội và Đồng bằng sông Hồng, là điểm đến hấp dẫn với sự kết hợp hài hòa của các loại hình du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng - vui chơi - giải trí - sáng tạo - nhân văn, Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tổng hợp khoảng 10% GRDP của tỉnh.

Để phát triển ngành du lịch xứng tầm với sứ mệnh và kỳ vọng, bên cạnh tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đạt được thời gian qua, cần tạo sự chuyển động mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt của người đứng đầu các cấp và đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch Hà Nam cần phải đẩy nhanh việc thích ứng với chuyển đổi số để tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thử sức với các sản phẩm, dịch vụ mới; đồng thời giải các bài toán về nguồn nhân lực, tính toán chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đem đến cho du khách những trải nghiệm hấp dẫn.

Cùng với đó, bắt nhịp cơ hội cả nước đang đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch, trên cơ sở triển khai quy hoạch tỉnh và tiếp tục tham vấn các chuyên gia đầu ngành để xây dựng chiến lược và các giải pháp đột phá nhằm mở con đường lớn, hiện thực hóa tiềm năng, thế mạnh, chắp cánh cho ngành công nghiệp không khói của Hà Nam bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và du lịch cho biết: Để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch nhanh và bền vững, đến năm 2030, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các khu, điểm du lịch, các lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu có tiềm năng lớn trong việc định hướng khai thác phát triển du lịch, Hà Nam sẽ tích cực tham gia các hội chợ du lịch, các đoàn khảo sát, giới thiệu điểm đến du lịch, phát hành các ấn phẩm giới thiệu về các khu, điểm du lịch, quản lý và khai thác hiệu quả Website du lịch Hà Nam; Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh tỉnh Hà Nam. Song song với đó, chú trọng đẩy mạnh thu hút, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, đầu tư xây dựng các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí có quy mô và chất lượng cao để nâng cao chất lượng phục vụ và đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, vui chơi giải trí, giữ chân du khách ở lại với Hà Nam. Khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp chủ động tổ chức các hoạt động du lịch mới phù hợp với điều kiện thực tế, thời điểm tổ chức gắn với các ngày nghỉ lễ, ngày kỷ niệm của địa phương, đất nước để tạo thành chuỗi sự kiện mang tính đặc trưng, xây dựng thương hiệu du lịch lâu dài của địa phương. Tăng cường liên kết, hợp tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch giữa tỉnh Hà Nam với các địa phương của các quốc gia trong khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ... Đặc biệt, coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh du lịch Việt Nam sẽ cùng các ngành, lĩnh vực tham gia ngày càng sâu rộng vào Cộng đồng kinh tế ASEAN và các địa phương trong cả nước đẩy mạnh phục hồi, phát triển du lịch sau đại dịch.

Năm 2023 vừa đi qua với nhiều dấu ấn nổi bật, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của ngành du lịch Hà Nam. Những thành tích, kết quả đạt được chính là tiền đề, động lực quan trọng để tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, biến quyết tâm thành hành động, tạo bước đột phá đưa du lịch Hà Nam vươn lên mạnh mẽ, từng bước tạo dựng vị thế mới trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Tin mới