Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Hà Nam
Đậm đà hương vị bánh đa nem làng Chều

Cách trụ sở UBND xã Nguyên Lý (Lý Nhân) chưa đầy 2km, con đường về làng Chều được điểm xuyết bởi những phên tre mầu nâu nhạt, xếp đều tăm tắp ven đường. Cảm nhận được hương vị thơm giòn và ấm áp qua những phên bánh được nắng; lắng nghe những câu chuyện đời, chuyện nghề của người dân làng Chều, tôi mới thấy hết được tình yêu, sự trăn trở của những người dân nơi đây với nghề tráng bánh đa nem - cái nghề “cha truyền con nối” đã gắn bó với người dân làng Chều hơn 700 năm qua. Trải qua bao thăng trầm nhưng người dân làng Chều vẫn tận tâm, vì sự sống còn của làng nghề. “Nghề không phụ người”,  ngày càng phát triển và đem lại cuộc sống khấm khá cho người dân làng Chều.

Rời khu vực sản xuất, anh Trần Văn Tường, chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem Chúc Tường, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bánh đa nem làng Chều, niềm nở tiếp chúng tôi. Khi được hỏi về nghề, anh tự hào kể lại rằng: Nghe các cụ kể lại, nghề bánh đa nem làng Chều xuất hiện khoảng năm 1349 (đời Trần Dụ Tông) và người có công lao đặt nền móng của nghề là cụ Trần Đình Hán. Gia đình cụ Trần Đình Hán làm nghề xay xát gạo. Lúc bấy giờ dân làng khó khăn, gạo làm ra tiêu thụ chậm nên cụ đã nghĩ ra một cách là ngâm gạo xong giã nhuyễn thành bột nước và hấp lên nồi nước sôi đến khi nước bột thành bánh. Khi chín, mang ra phơi khô, thái thành miếng nhỏ như bánh phở bây giờ, nấu lên ăn thấy lạ miệng và ngon. Từ đó, mọi người cùng nhau làm theo và hoàn thiện dần thành món bánh đa truyền thống. Ông Hán được dân làng suy tôn làm ông tổ nghề bánh đa, thành hoàng làng, thờ trong đình. Hằng năm, cứ vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến công lao của ông cũng như nhắc nhở con cháu giữ gìn nghề làm bánh đa truyền thống của làng...

Đậm đà hương vị bánh đa nem làng Chều
Đóng gói sản phẩm tại cơ sở sản xuất- kinh doanh bánh đa nem Chúc Tường. Ảnh: Thu Minh

Qua câu chuyện với anh Trần Văn Tường, chúng tôi được biết, ban đầu, việc chế biến bánh đa nem của làng được sản xuất theo quy trình thủ công thô sơ, tốn nhiều thời gian và công đoạn, quá trình làm còn gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, chủ yếu chỉ sản xuất được vào những tháng cuối năm (từ khoảng tháng 7-tháng 12 âm lịch), phục vụ cho Tết Nguyên đán nên thu nhập của bà con làm nghề rất thấp. Nhưng hơn chục năm trở lại đây, khi công nghệ ngày càng phát triển, người dân làng không chỉ sản xuất bằng kinh nghiệm mà đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào sản xuất, nhiều hộ gia đình đã đầu tư, quan tâm cải tiến công nghệ, ứng dụng khoa học vào sản xuất, nhằm đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường cũng được người dân trong làng quan tâm.

Đặc biệt, thông qua Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bánh đa nem làng Chều, sản phẩm bánh đa nem của làng đã được nhiều người biết đến thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm. Được thành lập từ năm 2011, ban đầu chỉ có khoảng 50 hội viên, đến nay số hội viên tham gia hiệp hội đã tăng lên trên 100 người. Với vai trò kết nối trong phát triển sản xuất, nâng cao giá trị cho sản phẩm bánh đa nem làng Chều, hiệp hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng xây dựng thương hiệu bánh đa nem làng Chều. Riêng sản phẩm của Cơ sở sản xuất- kinh doanh Chúc Tường đã được công nhân đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao vào năm 2019 và mới được công nhận lại vào tháng 11/2023. Theo đó, cơ sở luôn thực hiện đầy đủ, đúng quy trình báo cáo đánh giá vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn nước sản xuất bảo đảm đúng quy chuẩn, với quy trình sản xuất khép kín, chất lượng cao, sản phẩm "bánh đa nem" của cơ sở Chúc Tường bảo đảm 3 hơn "Giòn hơn, thơm hơn và ngon hơn". Sản phẩm của cơ sở vì thế đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng với sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 50 tấn bánh đa nem/năm.

Theo anh Tường chia sẻ: nguồn nguyên liệu chính để chế biến sản phẩm không dùng phụ gia độc hại, màu thực phẩm hay chất bảo quản... nên từ khâu chọn nguyên liệu cho đến quy trình sản xuất đòi hỏi rất khắt khe. Chất lượng sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và kinh nghiệm tăng giảm muối trong khi pha nguyên liệu để tráng bánh (độ ẩm thấp thì phải tăng lượng muối còn nếu độ ẩm cao thì phải giảm muối) có như vậy, bánh mới không bị ẩm mốc hoặc bị vỡ khi ra thành phẩm.

Đậm đà hương vị bánh đa nem làng Chều
Thời tiết là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng bánh đa nem làng Chều (Nguyên Lý- Lý Nhân). Ảnh: Thu Minh

Nghề bánh đa nem phát triển, đã đem lại thu nhập cao cho người dân làng nghề. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh bánh đa nem trong làng đã đầu tư mở rộng sản xuất, thu hút và giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động. Theo ông Đặng Xuân Đạo, Chủ tịch UBND xã Nguyên Lý, hiện đã có 5/6 thôn trong xã tham gia sản xuất bánh đa nem, thu hút và giải quyết việc làm cho trên 1.200 lao động địa phương. Với chất lượng và mẫu mã ngày càng được cải thiện, sản phẩm của làng nghề đã vượt ra khỏi “lũy tre làng” vươn đến thị trường trong nước và thị trường các nước Đông Á. Doanh thu hằng năm từ sản xuất bánh đa nem ước đạt trên 330 tỷ đồng. “Nghề không phụ người” nên “người cũng không phụ nghề” rất nhiều lao động trẻ đã quyết tâm “ly nông nhưng không ly hương” cùng chung tay xây dựng và giữ gìn thương hiệu bánh đa nem làng Chều...

Từ một món quà quê dân dã đến nay sản phẩm bánh đa nem làng Chều đã có mặt ở nhiều siêu thị, nhà hàng cao cấp trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, làm sao để thương hiệu làng nghề tiếp tục vươn xa, làm sao xây dựng được một nơi trưng bày sản phẩm và hình thành một mô hình du lịch làng nghề? Đó không chỉ là tâm tư, trăn trở của bà con làng nghề mà cũng là trăn trở của cấp ủy, chính quyền xã Nguyên Lý những năm qua. Hy vọng, với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, sự cộng đồng trách nhiệm của người dân, những câu hỏi trên sớm tìm được đáp án.

Nguồn: Minh Thu/baohanam.com.vn

Tin mới