Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Hà Nam
Làng nghề dưới chân núi Đọi

Nằm dưới chân núi Đọi – danh thắng nổi tiếng của thị xã Duy Tiên nói riêng, của tỉnh Hà Nam nói chung, từ lâu làng Đọi Tam, xã Tiên Sơn (trước kia là xã Đọi Sơn) đã nổi tiếng khắp cả nước bởi nghề làm trống truyền thống. Với đôi tay khéo léo, tài hoa cộng với chữ tâm, chữ tín trong làm nghề, bao năm qua, trống làng Đọi Tam luôn được người dân khắp nơi tin tưởng và lựa chọn.

Nghìn sau còn thắm mãi
Chuyện xưa vua đi cày
Ngời văn bia triều Lý
Tháp bóng lồng chân mây

Ai người đã về đây
Truyền cho dân nghề cổ
Làng có tiếng trống làng
Ngõ có tình ngõ xóm...

(Làng trống – Nguyễn Thế Vinh)

Làng nghề dưới chân núi Đọi
Núi Đọi - nơi có làng nghề làm trống nổi tiếng. Ảnh: Trương Dũng

Tích xưa truyền lại, mùa Xuân Đinh Hợi (năm 987), Hoàng đế Lê Đại Hành (941-1005) xa giá từ kinh đô Hoa Lư về Đọi Sơn mở nghi thức cày Tịch điền, khuyến khích nông dân chăm lo cày cấy, phát triển nền nông nghiệp, gốc của cuộc sống ấm no. Trước ngày khai hội, cụ Nguyễn Đức Năng, làng Đọi Tam đã làm một quả trống đại dâng lên để đánh trong lễ hội. Khi tiếng trống nổi lên, âm thanh rền vang như tiếng sấm, chính vì vậy, sau này những quả trống đại người dân Đọi Tam còn gọi là trống sấm. Cụ Nguyễn Đức Năng, ông tổ làng nghề, người gieo tiếng trống thiêng, tiếng trống lành cho dân làng được suy tôn là Trạng Sấm.

Kể từ mùa Xuân Đinh Hợi (năm 987) đến nay, trải qua hơn nghìn năm lịch sử, nghề trống đem lại cuộc sống no đủ cho người dân Đọi Tam. Ơn tổ nghề đã truyền cho nghề quý, người làng trống Đọi Tam luôn giữ nghề, phát triển nghề và truyền nghề bằng tâm huyết, tình yêu và sự say mê không ngừng tiếp nối.   

Về làng trống, qua tìm hiểu được biết, thợ trống Đọi Tam xưa thường gánh đồ nghề đi khắp các nơi để tìm việc. Khi đi, mọi người thường đi theo nhóm vài ba người để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, trong sinh hoạt hằng ngày. Lần nào may, thuận, gặp mối sớm, chừng hai ba tháng là  được trở về nhà. Cũng có lần phải đi tới nửa năm, người đi xa tới một năm mới trở về. Thợ làng Đọi Tam ngày ấy xem nghề làm trống giống như nghề “đơm đó ngọn tre” - hết sức may rủi. Tuy nhiên, dù may hay rủi, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất, nghề làm trống vẫn đem lại cuộc sống no đủ cho người dân Đọi Tam. 

Làng nghề dưới chân núi Đọi
Nghệ nhân Phạm Chí Khang thực hiện bước dồn đai trống. Ảnh: Thanh Châu

Chia sẻ về chuyện làng nghề, ông Phạm Chí Khang, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh trống Đọi Tam cho biết: Các cụ xưa có câu: “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”, hay “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” – ơn tổ nghề đã truyền cho nghề quý, hàng nghìn năm qua, đời nọ nối đời kia, người làng Đọi Tam luôn tận tâm, tận lực với nghề. Ngay từ khi còn nhỏ, người Đọi Tam đã sớm làm quen, sớm tiếp cận và học cách làm trống. Để làm nghề, ngày trước, thợ trống Đọi Tam phải gánh đồ đi khắp nơi tìm việc.

Ngày nay, công nghệ phát triển, phương tiện liên lạc hết sức thuận lợi, với uy tín đã được khẳng định trên thị trường, giờ việc đã “tìm đến” với các cơ sở sản xuất ở Đọi Tam. Làng Đọi Tam hiện có trên 60 cơ sở sản xuất và kinh doanh trống, giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động. Đặc biệt hơn cả, với nỗ lực bền bỉ, không mệt mỏi của những người thợ làng trống, hiện nay 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều có cơ sở sản xuất trống Đọi Tam. Không chỉ đem lại cuộc sống no đủ, hiện nghề trống đã đem lại cuộc sống khá giả, sung túc cho nhiều gia đình.   

Được biết, để duy trì và phát triển nghề truyền thống, những năm qua, thợ trống làng Đọi Tam đã nhanh nhạy, chủ động tiếp thu, đưa máy móc thiết bị công nghệ mới, hiện đại vào quá trình sản xuất để giảm công lao động, nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng công việc. Không những vậy, một số cơ sở còn năng động, mạnh dạn làm thêm các mặt hàng, như: Thùng rượu, bồn tắm, bồn ngâm chân... được người tiêu dùng ưa chuộng và lựa chọn. Với các bước căn bản như bao làng trống khác: làm da (từ da trâu), làm tang (từ gỗ mít) và bưng trống, nhưng trống Đọi Tam nổi tiếng nhờ độ bền, âm thanh vang vọng, trang trí hoa văn đẹp mắt... Đấy chính là nhờ những người thợ tài hoa làng trống Đọi Tam luôn biết vận dụng bí quyết làng nghề cộng với nỗ lực nghiên cứu, học hỏi, sáng tạo tinh tế trong quá trình sản xuất.    

Hàng nghìn năm qua trên đỉnh núi Đọi nổi tiếng có chùa Đọi Sơn trầm mặc, linh thiêng, chiều chiều tiếng chuông ngân vang giữa mây gió. Dưới chân núi Đọi, hàng nghìn năm qua, thợ làng trống Đọi Tam đã cho ra đời biết bao quả trống với kích cỡ, màu sắc, hoa văn tô điểm khác nhau..., từ Đọi Tam trống “đi” muôn nơi, tới khắp mọi miền của Tổ quốc. Theo chiều dài lịch sử của dân tộc, từ xa xưa, trong công cuộc chống ngoại xâm bảo vệ đất nước, những hồi trống trận vang như sấm dậy, động viên, khích lệ, thúc giục ba quân dũng cảm xông lên chiến đấu chống kẻ thù. Trong cuộc sống hằng ngày, khi báo vỡ đê hoặc báo hỏa hoạn, tiếng trống làng vang lên dồn dập, liên hồi; người người, nhà nhà chạy ra cứu đê, dập hỏa... Đất nước hòa bình, độc lập, từng hồi trống trường khoan thai báo giờ vào lớp, giờ ra chơi, giờ tan học trở nên thân thiết với các bạn học sinh. Mùa lễ hội đầu Xuân năm mới, từng hồi trống nối nhau vang lên tưng bừng, giòn giã, tươi vui hòa cùng tiếng nói, tiếng cười, tiếng chuyện trò của người dân khi đi trảy hội... Trải qua hàng nghìn năm, làng quê vẫn còn đó những hồi trống tế linh thiêng; những hồi trống chèo rộn vang, rạo rực; những hồi trống đón Trung thu tưng bừng, rộn ràng khắp làng trên xóm dưới...

Mọi năm, những ngày giáp Tết cổ truyền của dân tộc, làng trống Đọi Tam nhộn nhịp, sôi động lắm. Xe chở nguyên liệu, xe đến lấy hàng nối đuôi nhau vào ra tấp nập, các cơ sở sản xuất bận ngày, bận đêm. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mặc dù đã vào mùa sản xuất chính (trước mùa lễ hội đầu năm và trước mùa Trung thu tháng tám là hai mùa sản xuất chính của làng nghề), nhưng làng trống vẫn trong tình trạng sản xuất cầm chừng, không có cảnh xe chở hàng, lấy hàng nhộn nhịp vào, ra...  Hai năm qua, làng trống gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, thu nhập cũng vì vậy mà giảm đi nhiều. 

Ông Phạm Chí Khang, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh trống Đọi Tam chia sẻ: Cũng như người dân cả nước, người dân Đọi Tam mong sao dịch bệnh Covid-19 sẽ được kiểm soát để Xuân Nhâm Dần 2022 các làng sẽ được mở hội. Hội làng được mở, tiếng trống Đọi Tam sẽ lại vang lên ở muôn nơi, đem lại niềm vui, sự phấn khởi, tạo động lực cho mọi người vững bước, vững tin vào năm mới với mong ước và hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ tới. Làng nghề đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng với nỗ lực và quyết tâm cao, đặt chữ tâm, chữ tín làm đầu, làm trọng, Đọi Tam nhất định sẽ vượt qua để tiếp tục làm nghề, giữ nghề, truyền nghề và phát triển nghề của cha ông để lại trong giai đoạn mới. 

Nguồn: baohanam.com.vn

 

Tin mới