Hiện nay, nhiều hạng mục của KDL đang được gấp rút xây dựng, hy vọng trong nay mai du khách sẽ được thưởng ngoạn hết những vẻ đẹp kỳ thú của KDL này. KDL Tam Chúc - Ba Sao sẽ là niềm tự hào của tỉnh, đưa tỉnh ta bước đầu tiếp cận với nền công nghiệp "không khói". Để quảng bá, năm 2018, Đại hội Phật giáo thế giới do nước ta đăng cai sẽ được tổ chức tại KDL Tam Chúc - Ba Sao. Như vậy, thời gian không còn dài, các hạng mục của dự án cần sớm hoàn thiện; chính quyền và người dân địa phương cũng cần sẵn sàng tâm thế triển khai các dịch vụ đi kèm phục vụ du khách về với KDL.

 

Ba Pho tượng Phật khổng lồ bằng đồng nguyên khối

 

KDL Tam Chúc - Ba Sao được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kim Bảng lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đó là "Đổi mới định hướng đầu tư và phát triển du lịch, dịch vụ". Trong đó, việc nghiên cứu thị trường, điều tra thu thập thông tin về thị trường khách du lịch, xu hướng du lịch trong tương lai nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu du khách. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức người dân, chất lượng hệ thống thương mại, dịch vụ, năng lực vận tải, bưu chính viễn thông, ngân hàng và bảo hiểm để hỗ trợ, bảo đảm cho du lịch phát triển.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, các cấp, ngành chức năng của huyện đã xây dựng chương trình hành động, trong đó xác định ưu tiên phát triển du lịch  - dịch vụ, phát triển các điểm du lịch tạo chuỗi liên kết gắn với KDL trọng điểm quốc gia Tam Chúc - Ba Sao; đề ra chỉ tiêu, phấn đấu đến năm 2020 thu hút trên 1,8 triệu lượt khách/năm về tham quan du lịch; chuyển dịch từ 3.000 - 5.000 lao động nông nghiệp sang chuyên phục vụ ngành dịch vụ du lịch. Quy hoạch, thu hút đầu tư và hỗ trợ đầu tư xây dựng các khu thương mại, nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí tại khu vực Ba Sao và dọc tuyến quốc lộ 21A, 38, đường tỉnh 498 từ TP. Phủ Lý, thị trấn Đồng Văn nối với Tam Chúc - Ba Sao. Hình thành các làng có nghề sản xuất các đồ lưu niệm đặc trưng của KDL như: túi thổ cẩm, đồ mỹ nghệ, khung tranh, gốm son… Đầu tư phát triển các xã tiếp giáp KDL như Khả Phong, Liên Sơn, Thanh Sơn, Tân Sơn và các điểm du lịch tạo nên các sản phẩm du lịch, các chuỗi sản phẩm du lịch gắn với Tam Chúc - Ba Sao.

Xác định được các sản phẩm du lịch và hướng phát triển, trong chương trình hành động còn ghi rõ phải thu hút và đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch, xây dựng kế hoạch giới thiệu, phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân để mỗi người dân trở thành một hướng dẫn viên du lịch hiểu biết và hiếu khách. Tăng cường quảng bá, gắn kết giữa KDL Tam Chúc - Ba Sao với KDL Chùa Hương (Hà Nội), chùa Bái Đính (Ninh Bình) và các điểm danh thắng, tâm linh trên địa bàn huyện như: Chùa Bà Đanh, Ngũ động Thi Sơn, đền Bà Lê Chân, chùa Ông…

 

Chùa Ngọc hay còn gọi là Đàn tế trời 

 

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin (VHTT) huyện, địa phương đã có nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá về KDL Tam Chúc - Ba Sao cũng như các di tích trên địa bàn. Hiện tại, Phòng VHTT huyện đang xây dựng dự thảo trình UBND huyện quyết định tổ chức Ngày hội trăng rằm tại KDL Tam Chúc - Ba Sao. Theo ông Trần Trọng Đại, Trưởng phòng VHTT huyện, đây là một hình thức nhằm quảng bá cho KDL. Lực lượng tham gia ngày hội gồm đại diện học sinh của tất cả các trường THCS trên địa bàn huyện, các chi đoàn của thị trấn Ba Sao và các đơn vị có đông đoàn viên như Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện. Ngày hội có tổ chức thi cắm trại, các hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn với thả đèn hoa đăng tại địa điểm làng Tam Chúc cũ (trong quy hoạch KDL đây là địa điểm mô phỏng làng Việt cổ).

Về thị trấn Ba Sao, nơi có KDL, chúng tôi đã có dịp trao đổi với chị Lê Thị Thanh Vân, cán bộ văn hóa xã hội của thị trấn, chị cho biết: Thị trấn đã và đang khuyến khích các hộ dân địa phương phát triển và nhân rộng các mô hình trồng rau sắng, nuôi dê, nuôi thỏ và gà đồi nhằm tạo ra đặc sản ẩm thực Ba Sao. Vừa qua, các hội, đoàn thể của thị trấn, bí thư các chi bộ và 3 hộ dân đã được thị trấn tổ chức đi tham quan, học tập làng nghề may túi thổ cẩm ở xã Đồng Hóa nhằm đưa nghề mới về cho người dân, tạo ra sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách. Thời điểm hiện tại, thị trấn đang tiến hành rà soát, tổng hợp số lao động trên toàn địa bàn để thông báo số lao động khi KDL đi vào hoạt động, bởi khi tiến hành xây dựng KDL, nhà đầu tư - Doanh ngiệp xây dựng Xuân Trường đã thỏa thuận sẽ nhận người lao động địa phương vào làm tại KDL, trong đó ưu tiên cho những hộ có đất bị thu hồi phục vụ xây dựng KDL.

KDL Tam Chúc - Ba Sao là một KDL hoàn toàn mới trên bản đồ du lịch quốc gia, đó là một lợi thế. Để khai thác lợi thế này, không chỉ thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng mà các cơ quan chủ quản, các đơn vị liên quan cũng như cơ quan chuyên môn về du lịch phải có định hướng rõ ràng, thiết thực, nhằm tạo dấu ấn khác biệt, thu hút du khách khi KDL đi vào khai thác.

Chu Bình