Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Hà Nam
Nỗ lực gìn giữ, lưu truyền điệu múa hát cổ Lải Lèn

Lải Lèn là điệu múa hát cổ được thực hiện trong nghi lễ tế Thần tại đình làng Nội Chuối (nay là thôn Nội Đọ - được sáp nhập từ thôn Nội Chuối với thôn Đọ), xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân. Theo các bà, các cô trong câu lạc bộ (CLB) hát múa Lải Lèn: Không mượt mà, sâu lắng như những điệu hát dân ca, múa hát cổ Lải Lèn rất khó hát và khó múa. Tuy nhiên, đây là nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc cha ông để lại, chỉ có ở Nội Chuối. Vì vậy, những năm qua người dân Nội Chuối luôn nỗ lực gìn giữ và mong muốn lưu truyền lại điệu múa hát cổ cho các thế hệ tiếp nối.

Về Nội Đọ, qua tìm hiểu được biết, xã Bắc Lý có ba làng: Đọ, Yên Trạch và Nội Chuối cùng thờ nhân vật lịch sử là Triệu Quang Phục (nay thôn Nội Chuối và Đọ đã sáp nhập thành thôn Nội Đọ). Hát Lải Lèn là nghi lễ tế Thần tại đình làng Nội Chuối vào dịp lễ hội, đầu xuân năm mới. Về nguồn gốc múa hát Lải Lèn, theo tương truyền, xưa dòng Long Xuyên nối sông Châu với sông Hồng chảy qua địa phận ba làng. Vào một buổi sáng, người dân thấy một hòm gỗ to trôi trên sông Long Xuyên, đến khúc sông qua làng Nội Chuối thì hòm gỗ dạt vào bờ. Người dân Nội Chuối ra vớt hòm lên, khi mở ra thì thấy trong hòm có một quyển sách chữ Nho, cùng hình nhân 12 cung nữ và 8 chàng hầu vua. Trong cuốn sách ấy có dạy múa hát Lải Lèn.

Nỗ lực gìn giữ lưu truyền điệu múa hát cổ Lải Lèn
Đình làng Nội Chuối, nơi diễn ra nghi lễ hát múa Lải Lèn.

Trong ngôi đình làng được hoàn thành xây dựng lại năm 2003, đồng chí Trần Văn Sừ, Bí thư Chi bộ thôn Nội Đọ cho biết: Theo các cụ kể lại, hát múa Lải Lèn là nghi lễ tế Thánh tại đình Nội Chuối vào 3 ngày: mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng cuối những năm 40, đầu những năm 50 thế kỷ XX), đình làng bị bom Pháp phá hủy. Không còn không gian hành lễ, vì vậy, những điệu hát Lải Lèn chỉ còn trong ký ức của một số cụ già cao tuổi trong làng như cụ Lưu Thị Ngần, cụ Nguyễn Thị Ngoãn, cụ Khương Thị Cúc, cụ Lưu Thị Hót... Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, của thời gian, tưởng như điệu hát múa Lải Lèn sẽ bị thất truyền, nhưng năm 2003, khi đình làng được hoàn thành xây dựng trên nền đình cũ, các “nàng Lải” của làng năm xưa, thời điểm ấy đã lên chức bà, chức cụ mong muốn được truyền lại điệu hát múa cổ cho thế hệ trẻ để tiếp tục duy trì múa hát Lải Lèn trong nghi lễ tế Thần tại đình làng.

Bà Lưu Thị Thủy, Chủ nhiệm CLB hát múa Lải Lèn cho biết: Theo các cụ kể lại, quy định xưa, chỉ có các cô gái đồng trinh, người làng, tuổi từ 15 đến khoảng 18 mới được học hát múa và tham gia lễ tế Thánh tại đình làng trong ba ngày Tết. Đội hình múa hát Lải Lèn gồm 12 nàng Lải. Cùng với các nàng Lải còn có 8 chàng trai chưa vợ, to khỏe, vạm vỡ đóng vai hầu vua, đứng làm hai hàng bên thuyền rồng, quay mặt vào điện thờ, đứng hầu trong suốt 3 ngày hành lễ. Trước khi vào tế vài ngày, 12 nàng Lải được miễn công việc đồng áng, chăn nuôi, giữ người luôn sạch sẽ để luyện tập múa hát. Liên tục trong ba ngày Tết, các nàng Lải múa hát tế Thánh tại đình làng.

Theo các cụ truyền lại, Lải Lèn có khoảng 30 điệu múa hát, nhưng hiện nay, các thành viên trong CLB sưu tầm, tập hát múa thành thạo được khoảng 15 điệu. Khác xưa, giờ các thành viên trong CLB chỉ hát múa biểu diễn trong lễ tế Thần tại đình làng duy nhất vào ngày 20 tháng Giêng - ngày hội làng. Về nội dung, múa hát Lải Lèn có điệu diễn tả cảnh đón mừng nhà vua với những nghi thức cung đình; có điệu diễn tả cảnh trận mạc xưa với các điệu bắn cung, cưỡi ngựa, múa kiếm; có điệu diễn tả cảnh tiễn biệt người đi, kẻ ở trong thời chiến tranh; có điệu diễn tả cảnh đoàn quân chiến thắng trở về; có điệu diễn tả cảnh mở hội khao quân…

Nỗ lực gìn giữ lưu truyền điệu múa hát cổ Lải Lèn
Các thành viên trong CLB trao đổi về hát múa Lải Lèn.

Bà Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Theo các cụ truyền lại, hát múa Lải Lèn xưa không có nhạc kèm theo, mà chỉ dùng đôi sênh phách tre gõ theo, lúc trầm, lúc bổng tùy theo lời ca, tiếng hát. Giờ, khi hát múa Lải Lèn, các thành viên trong CLB có cải biên luyến láy đôi chút cho dễ nhớ, dễ thuộc. CLB hát múa Lải Lèn Nội Chuối được thành lập vào khoảng năm 2005. Các thành viên trong CLB từng được mời đi biểu diễn tại đền Trần Thương. Hiện nay, CLB có 17 thành viên, độ tuổi từ khoảng 50 đến 70; có một nam duy nhất là người đánh trống. Một tháng CLB tổ chức sinh hoạt ba tối để luyện tập lại các điệu hát múa Lải Lèn.

Khi chúng tôi hỏi về việc tập hát và múa Lải Lèn, các bà, các cô trong CLB đều cười bộc bạch: Năm 2003, khi đình làng hoàn thành xây dựng, trong các buổi đi lễ chùa, các “nàng Lải” của làng năm xưa tâm sự, trao đổi, bày tỏ mong muốn được truyền dạy lại điệu hát cổ của cha ông cho các thế hệ tiếp nối. Lúc đầu, theo tục xưa, các bà vận động, chọn dạy thế hệ trẻ, tuổi từ 16 đến 18, là con gái của làng. Nhưng các cháu lớn lên là đi lấy chồng, có cháu mới chỉ hát biểu diễn được một mùa lễ hội đã “khăn gói theo chồng”, do vậy khó khăn duy trì đội hình hát múa nên các cụ thống nhất truyền lại cho dâu làng, gái làng lấy chồng làng.

Cô Phạm Thị Kim Chi, người Huế, làm dâu Nội Chuối đã hàng chục năm vui vẻ tâm sự: Lải Lèn vừa khó hát, lại khó múa. Những ngày đầu học, nhiều lúc nản chỉ muốn bỏ. Khi dạy hát múa, các cụ rất nghiêm, tay thường cầm roi tre, ai hát sai, múa sai là các cụ vụt. Các cụ nói, ngày xưa các cụ học hát cũng vậy. Ngày trước, mấy ai biết chữ, chỉ qua truyền miệng nên phải thật tập trung, chăm chỉ luyện tập mới thành thạo được. Lải Lèn khó hát, khó múa, nhưng khi đã thuộc, đã quen mới cảm nhận được cái hay, cái đẹp của hát Lải Lèn. Giờ thì tôi thực sự thấy “say” câu hát Lải Lèn quê chồng.

Ngoài khó khăn về kinh phí hoạt động, trăn trở lớn nhất của các thành viên CLB hát múa Lải Lèn, đó là đội ngũ kế cận. Dù đã rất linh hoạt chọn dạy cho dâu làng, gái làng lấy chồng làng, nhưng hiện nay việc vận động các cháu tham gia luyện tập rất khó. Bởi độ tuổi từ 30 tuổi trở lên các cháu mải làm kinh tế, bận đi làm cho các công ty, doanh nghiệp. Các cháu thiếu nữ người làng lớn lên đi học, đi lấy chồng...

Khắc phục khó khăn, với quyết tâm gìn giữ, lưu truyền lại điệu hát cổ đặc sắc của Nội Chuối, bên cạnh việc duy trì luyện tập, hiện các thành viên trong CLB hát múa Lải Lèn luôn nỗ lực, tích cực tìm, chọn, động viên, khích lệ những người nhiệt tình, có khả năng… để truyền dạy, với mong muốn điệu hát múa Lải Lèn cổ sẽ còn mãi với quê hương.

Nguồn: baohanam.com.vn

Tin mới