Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Hà Nam
Hà Nam phát triển du lịch tâm linh
Với nhiều di tích lịch sử - văn hóa và đa dạng các lễ hội truyền thống, Hà Nam được đánh giá là tỉnh có tiềm năng phát triển loại hình du lịch tâm linh. Để khai thác hiệu quả loại hình du lịch này, thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, quảng bá các khu, điểm du lịch, các lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng; tranh thủ các nguồn lực Trung ương để nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch của tỉnh. Do vậy, số lượng du khách đến các khu, điểm du lịch văn hóa tâm linh tăng đều qua các năm và chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu du khách đến tham quan, du lịch tại tỉnh.

Đến ngày 30/11/2022, Hà Nam có 227di tích, cụm di tích đã được xếp hạng, trong đó 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 91di tích cấp quốc gia, 134di tích cấp tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 11 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2013, Bia Sùng Thiện Diên Linh tại chùa Long Đọi Sơn được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia. Về hoạt động lễ hội, Hà Nam có trên 100 lễ hội trong đó có 5 lễ hội vùng được tổ chức quy mô (Lễ hội đền Trần Thương, huyện Lý Nhân; Lễ hội chùa Long Đọi Sơn, thị xã Duy Tiên; Lễ hội Đền Trúc - Ngũ Động Sơn và Lễ hội chùa Bà Đanh, huyện Kim Bảng; Lễ hội vật võ Liễu Đôi, huyện Thanh Liêm) còn lại là các lễ hội dân gian, truyền thống. Các lễ hội của Hà Nam đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung; lưu giữ những giá trị tâm linh đặc thù độc đáo. Ngoài những lễ hội truyền thống được tổ chức thường niên, trong những năm gần đây lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Lễ phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương… đã kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế.

          Đền Trần Thương là di tích tiêu biểu của Hà Nam nói riêng và cả nước nói chung, mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa tâm linh. Đây là nơi thờ vị Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo cùng gia quyến và các Bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII. Hội chính của đền Trần Thương mở từ ngày 18 đến 20 tháng 8 âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa dân gian độc đáo nhắc nhở về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn". Đông đảo du khách đến Trần Thương với mong muốn được thành kính thắp nén tâm nhang tưởng nhớ vị Anh hùng đã được tôn làm Đức Thánh Trần cũng như chiêm ngưỡng kiến trúc của một địa danh gắn với trang sử hào hùng của dân tộc.

           Đền Lảnh Giang - ngôi đền thờ ba vị tướng thời Hùng Vương thứ 18 đã giúp vua Hùng đánh giặc giữ nước, chống lại Thục Phán và thờ Tiên Dung công chúa và Chử Đồng Tử. Đến đây, du khách có dịp chiêm ngưỡng công trình kiến trúc tâm linh đồ sộ, bề thế với lịch sử lâu đời gồm 3 tòa 14 gian, hai bên có nhà khách, lầu thờ, xây theo kiểu nội công ngoại quốc cùng nhiều đồ thờ giá trị chạm khắc công phu. Đặc biệt, hàng năm vào đầu tháng 6 âm lịch, lễ hội Lảnh Giang sẽ diễn ra với nhiều nghi thức rước kiệu, diễn xướng hát văn hầu đồng đặc sắc, thu hút rất đông khách thập phương về tham quan và dự lễ.

          Chùa Bà Đanh hay còn gọi là Bảo Sơn tự, thờ Bà Chúa Đanh (thần Pháp Vũ). Ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng này nằm cạnh hòn núi Ngọc nên thơ, cách thành phố Phủ Lý 10km, hướng chính nam nhìn thẳng ra dòng sông Đáy, được thiên nhiên ưu ái bao quanh bởi khung cảnh trời mây sông nước hữu tình cùng vẻ tịch mịch vô cùng thanh tịnh. Từ bao đời nay, chùa Bà Đanh được thêu dệt bằng những câu chuyện liêu trai, sự tích kì lạ xoay quanh sự vắng vẻ nổi tiếng của mình, mà tâm điểm là tượng Bà Đanh (thần Pháp Vũ).

Quần thể đền Trúc - Ngũ Động Sơn thờ Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, tọa lạc giữa không gian xanh mát sơn thủy hữu tình, có núi có sông, có hang động kỳ thú, nằm giữa rừng Trúc nên thơ. Ngôi đền được làm bằng gỗ lim, xây dựng theo kiểu chữ Đinh, gồm cổng đền, tiền đường và hậu cung, xung quanh rợp bóng trúc. Cạnh đền Trúc là ngọn núi Cấm hay còn gọi là núi Cuốn Sơn gắn với sự tích xa xưa. Men theo đường mòn lên đỉnh núi, du khách sẽ tìm thấy một bàn cờ thiên tạo bằng đá rất đặc biệt cũng như được chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh hữu tình. Trong lòng núi Cấm là hệ thống Ngũ Động gồm 5 động liên hoàn dài hơn 100m với cấu trúc các động đa dạng cùng nhiều loại thạch nhũ muôn hình vạn trạng. Hàng năm, lễ hội đền Trúc diễn ra từ ngày mồng 1 tháng Giêng đến ngày mồng 10 tháng Hai âm lịch với nhiều nghi lễ cổ truyền, trò chơi dân gian hấp dẫn, múa hát Dậm và đua thuyền. Đền Trúc - Ngũ Động Sơn chắc chắn sẽ là một điểm đến hấp dẫn cuối tuần mới lạ cho du khách.

          Khu lưu niệm Cát Tường cách thành phố Phủ Lý 16 km theo trục quốc lộ 21A hướng đi Nam Định, là điểm có vị trí thuận lợi cho giao thông đường bộ và đường thủy. Từ đây có thể kết nối các điểm du lịch văn hóa tâm linh khác như: Từ đường Nguyễn Khuyến, đình Vị Hạ, đền Trần Thương, đền Bà Vũ, Khu tưởng niệm Nhà văn Liệt sỹ Nam Cao, đền Lảnh Giang, chùa Long Đọi Sơn...

          Điểm nhấn của du lịch Hà Nam là Khu du lịch Tam Chúc, huyện Kim Bảng gồm các sản phẩm du lịch chính như: du lịch lòng hồ, du lịch tâm linh, khu thể thao, khu nghỉ dưỡng cuối tuần… Khu du lịch này gần các điểm du lịch lớn như: chùa Tiên, suối nước nóng Kim Bôi (Hòa Bình), chùa Hương (Hà Nội), khu du lịch Cúc Phương, Bái Đính, Tràng An, Vân Long (Ninh Bình) tạo thành tour du lịch nổi bật nhất ở miền Bắc nước ta, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đây chính là nơi diễn ra Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc Vesak 2019 thành công tốt đẹp, để lại nhiều dấu ấn đối với chức sắc và lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái Phật giáo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Phật học cũng như các Phật tử hành trì thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới cùng đồng bào phật tử và nhân dân Việt Nam.

Với thế mạnh tiềm năng sẵn có, tỉnh Hà Nam đã xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy du lịch phát triển. Tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng trùng tu, tôn tạo các di tích. Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền, quảng bá giá trị của di tích được tăng cường dưới nhiều hình thức khác nhau. Website du lịch Hà Nam được duy trì ổn định, nhiều bài viết, thông tin chất lượng được thu thập và đăng tải kịp thời, phục vụ nhu cầu của du khách. Phối hợp với VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện Chương trình "Hành trình Ẩm thực Việt" và nhiều chương trình quảng bá du lịch khác trên các phương tiện thông tin đại chúng… Ngoài ra, tại các điểm di tích nổi tiếng, tỉnh Hà Nam đều bố trí đội ngũ thuyết minh, đón tiếp, hướng dẫn du khách thắp hương, làm lễ theo đúng phong tục, tín ngưỡng. Các hoạt động bán hàng được quy hoạch theo phân khu và có cam kết với tổ chức về chất lượng. Bên cạnh đó, tỉnh đã quy hoạch các điểm du lịch, xây dựng cơ sở vật chất, đường giao thông… tạo điểm nối các di tích phục vụ nhu cầu tham quan của du khách.

Thách thức lớn nhất của du lịch Hà Nam cũng như nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch tâm linh là chưa kéo dài được thời gian lưu trú của du khách, đa phầndu khách mới chỉ dừng lại ở việc hành hương, chiêm bái, tham quan các điểm đến mà chưa có được những trải nghiệm văn hóa thực sự; sản phẩm lưu niệm còn đơn điệu nhàm chán, dẫn đến nguồn doanh thu tại các điểm du lịch tâm linh còn rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến tình trạng quá tải du khách vào mỗi dịp lễ, dẫn đến những cảnh tượng xấu, làm mất mỹ quan tại các di tích, đền chùa… cũng là mối lo ngại đối với sự phát triển bền vững của loại hình du lịch tâm linh ở Hà Nam.

Trước những thách thức này, tỉnh Hà Nam đang nỗ lực đổi mới sản phẩm, tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện cơ sở hạ tầng để thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Trong thời gian tới, nhằm phát huy tối đa thế mạnh du lịch, tỉnh Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư về vị trí, vai trò của du lịch, nhất là loại hình du lịch văn hóa tâm linh.

Nguồn: Bản tin VHTTDL Hà Nam

Tin mới