Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Hà Nam
Du lịch Hà Nam – phục hồi và khởi sắc
Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng sâu bởi đại dịch Covid - 19, bước sang những tháng đầu năm 2022, ngành Du lịch tỉnh Hà Nam đã nỗ lực thích ứng nhanh với trạng thái “bình thường mới”, tiến tới phục hồi và phát triển bền vững, tiếp tục đóng góp tích cực để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thời gian qua, ngành Du lịch Hà Nam đã tích cực hợp tác, liên kết với các địa phương, các doanh nghiệp du lịch trong nước tổ chức hoạt động kích cầu du lịch và lên kế hoạch đón khách; đồng thời chỉ đạo tái đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ, chú trọng nâng cấp cơ sở vật chất; xây dựng sản phẩm mới và hoàn thiện các sản phẩm du lịch hiện có; tổ chức tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực; tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng các dịch vụ… Qua đó cho thấy bước đầu du lịch đã có những tín hiệu khả quan sau đại dịch như lượng khách du lịch tăng nhanh, các dịch vụ du lịch bắt đầu hoạt động sôi nổi trở lại với nhu cầu tăng cao của thị trường khách du lịch nội địa.

Đặc biệt, từ ngày 15/3/2022, khi Chính phủ cho phép mở cửa lại hoạt động du lịch, cùng với cả nước, tỉnh Hà Nam đã mở cửa lại hoạt động du lịch và đón khách quốc tế.

Để phục hồi và phát triển du lịch thích ứng với trạng thái bình thường mới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã chỉ đạotập trung đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, truyền thông, quảng bá điểm đến như: xây dựng các gian hàng quảng bá du lịch tại Hội chợ thương mại, triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình; Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM - HaNoi 2022. Phối hợp với Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam thực hiện chương trình tìm kiếm đề cử 100 món ẩm thực đặc sắc Việt Nam, theo đó có 03 món ăn Hà Nam được vinh danh trong 100 món ăn đặc trưng của Việt Nam. Xây dựng các gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu du lịch Hà Nam tại các hoạt động, sự kiện lớn tổ chức tại tỉnh. Phát động cuộc thi “Ảnh đẹp du lịch Hà Nam” năm 2022. Tham dự Hội thảo và chương trình Famtrip giới thiệu, xúc tiến du lịch tại Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Bắc Kạn…; Phối hợp với Ban quản lý các Khu công nghiệp cung cấp ấn phẩm phục vụ Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh tại Thanh Hóa; Phối hợp liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch với Trung tâm xúc tiến du lịch các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng và phụ cận; Phối hợp với Đài phát thanh - truyền hình Hà Nam thực hiện phóng sự du lịch…vv.

Từ những nỗ lực trên, những tháng đầu năm sau “bình thường mới”, ngành Du lịch đã đạt được những kết quả phục hồi tích cực.Tổng số khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.893.300 lượt (đạt 71,45% so kế hoạch năm 2022; đạt 75,72% so cùng kỳ năm 2021), trong đó khách quốc tế ước đạt: 75.500 lượt, khách nội địa ước đạt: 1.817.800 lượt; Doanh thu ước đạt 1.283,9 tỷ (đạt 72,13% so Kế hoạch năm 2022; 81,82% so cùng kỳ năm 2021).

Ngành Du lịch tỉnh đã và đang có những bước phát triển đúng hướng, phát huy hiệu quả các giá trị di sản, danh lam, thắng cảnh của quê hương, các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, độc đáo, có chất lượng hơn. Hạ tầng du lịch như: cơ sở lưu trú, nhà hàng, trung tâm thương mại phát triển mạnh, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Trên thực tế, ngành Du lịch đã có đóng góp rất quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách của tỉnh, cải thiện chất lượng đời sống người dân.

Với những dự báo lạc quan về tình hình kinh tế - xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam đã xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch năm 2022-2023, trong đó tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa; đồng thời, tổ chức khai thác phục vụ khách du lịch quốc tế theo lộ trình mở cửa hoạt động du lịch quốc tế.Các đơn vị kinh doanh du lịch chủ động tìm kiếm thị trường khách mới để sẵn sàng phục hồi.Đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện truyền thông để thu hút khách; đôn đốc các đơn vị nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề; triển khai các hoạt động, sự kiện, lễ hội chuyên nghiệp mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nam.Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch tâm linh; thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có năng lực, uy tín, thương hiệu đầu tư các chuỗi du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, thể thao; phát huy sức mạnh cộng đồng dân cư trong phát triển thương mại-dịch vụ, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, xây dựng hình ảnh Hà Nam là "điểm đến hấp dẫn” đối với du khách. Tiếp tục hình thành và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch chủ yếu; hình thành một số sản phẩm mang tính đặc trưng của Hà Nam tại Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, chùa Long Đọi Sơn, đền Trần Thương, từ đường Nguyễn Khuyến, quê hương Nam Cao… Đồng thời, xây dựng lộ trình liên kết hợp tác với các tỉnh lân cận và các trung tâm du lịch lớn trong nước để xây dựng tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng.

Hà Nam xác định phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở phù hợp tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Theo ông Mai Thành Chung - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh: “Để tạo cơ sở hành lang pháp lý, thu hút người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, Sở đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh xây dựng các quy hoạch, đề án, dự án phát triển du lịch; phối hợp quản lý việc thực hiện các quy hoạch, đề án, dự án bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; chủ động rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư vào các khu, điểm du lịch của tỉnh, trọng tâm là Khu du lịch Tam Chúc. Tiếp tục khai thác hiệu quả những thắng cảnh mà thiên nhiên ưu đãi, cùng với xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng mang dấu ấn địa phương, tăng cường liên kết hợp tác, đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá… Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh, đặc trưng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng”.

Nguồn: Bản tin VHTTDL Hà Nam
Tin mới