Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Hà Nam
Đền thờ Nữ tướng Lê Chân
Nói về lịch sử đền thờ Nữ tướng Lê Chân, ông Dương Hồng Ngàn, Trưởng Ban quản lý di tích đền thờ Nữ tướng Lê Chân cho biết: Đền thờ Nữ tướng Lê Chân trước kia có tên là đền Lạt Sơn (gọi theo tên thôn cũ). Thời ấy, khi vào rừng lấy củi, làm nương rẫy người dân phải đi qua đền nên dân làng còn gọi là đền Cửa Rừng. Theo các cụ kể lại, vùng rừng núi Lạt Sơn xưa kia có rất nhiều hổ. Có hôm các cụ đang tế lễ ở trong đình, hổ vào đến tận sân để công thịt.
Đền thờ Nữ tướng Lê Chân nằm trên địa bàn thôn Hồng Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng.
Đền thờ Nữ tướng Lê Chân

Đền thờ Nữ tướng Lê Chân, xã Thanh Sơn (Kim Bảng).

Theo tư liệu được lưu giữ tại đền: Nữ tướng Lê Chân sinh ngày mùng 8 tháng 2 năm Canh Thìn (năm 20 đầu Công nguyên), là con ông Lê Đạo và bà Trần Thị Châu ở làng An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn (nay thuộc xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Tài giỏi, có nhan sắc, lại tinh thông võ nghệ vì vậy Thái thú Tô Định muốn lấy nàng làm tỳ thiếp. Cha mẹ nàng không đồng ý, Thái thú Tô Định tìm cách giết hại cả hai ông bà.
Quyết chí trả thù nhà, đền nợ nước nàng tìm thầy học binh thư, võ nghệ, kết giao với những người cùng chí hướng. Nàng rời quê tới vùng ven biển An Dương (Hải Phòng) lập trang trại, khai phá đất đai, trồng dâu nuôi tằm, đánh bắt hải sản... cùng với đó chiêu mộ anh hùng hào kiệt khắp nơi rèn quân, luyện tướng, thành một đội quân hùng mạnh. 
Nghe tin Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa ở cửa sông Hát, Lê Chân đem quân tới cùng Hai Bà đánh giặc. Trong các trận đánh, Lê Chân thường được cử làm tướng tiên phong, lập được nhiều công trạng. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, Hai Bà Trưng thu phục được 65 thành trì, Tô Định trốn chạy về nước. Bà Trưng lên ngôi Vua hiệu là Trưng Vương, phong cho Nữ tướng Lê Chân là "Thánh Chân công chúa" giữ chức "Chưởng quản binh quyền", trấn giữ vùng duyên hải Đông Bắc.

Năm 43, vua Quang Vũ nhà Đông Hán phong Mã Viện làm Phục Ba Tướng quân tiến đánh nước ta. Qua nhiều trận giao chiến nghĩa quân của Hai Bà Trưng phải rút về cố thủ ở Cấm Khê, chân dãy núi Ba Vì. Nghĩa quân bị vây hãm nhiều ngày, thế giặc mạnh hơn, Hai Bà Trưng tuẫn tiết trên dòng sông Hát để giữ trọn khí tiết. Nữ tướng Lê Chân tập hợp quân sỹ, đem một cánh quân, rút theo dòng sông Đáy về xuôi tìm căn cứ để củng cố lực lượng. 
Về tới vùng rừng núi Lạt Sơn, Nữ tướng quyết định lập căn cứ, chiêu mộ thêm binh sỹ, sẵn sàng đánh giặc. Khi căn cứ chưa thật vững chắc, quân Mã Viện đã kéo đến vây hãm, tiến đánh nghĩa quân. Nữ tướng Lê Chân và quân sỹ tổ chức đánh trả quyết liệt. Biết không đủ lực lượng đánh bại quân thù, Nữ tướng cho binh sỹ bí mật rút khỏi căn cứ, chỉ giữ lại một số tướng sỹ ở lại căn cứ quyết tử với kẻ thù. Chiều ngày 13/7 năm Quý Mão (năm 43), Nữ tướng gieo mình từ đỉnh núi Giát Dâu xuống thung lũng để bảo toàn khí tiết.

Nói về lịch sử đền thờ Nữ tướng Lê Chân, ông Dương Hồng Ngàn, Trưởng Ban quản lý di tích đền thờ Nữ tướng Lê Chân cho biết: Đền thờ Nữ tướng Lê Chân trước kia có tên là đền Lạt Sơn (gọi theo tên thôn cũ). Thời ấy, khi vào rừng lấy củi, làm nương rẫy người dân phải đi qua đền nên dân làng còn gọi là đền Cửa Rừng. Theo các cụ kể lại, vùng rừng núi Lạt Sơn xưa kia có rất nhiều hổ. Có hôm các cụ đang tế lễ ở trong đình, hổ vào đến tận sân để công thịt.
Trải qua nhiều biến cố của thời gian, đền nhỏ, lại bị xuống cấp, năm 2006 nhờ công đức của dân làng và khách thập phương đền thờ Nữ tướng được dỡ ra xây dựng lại. Hiện tại, tổng thể khu đền gồm: Đền chính (thờ Nữ tướng), phủ bóng, động sơn trang, nhà khách... tạo thành một quần thể khép kín trên diện tích gần 5.000m2. Trong đền hiện còn lưu giữ được các hiện vật, đồ thờ có giá trị như: Cuốn thư, hoành phi, sắc phong... Đặc biệt, nổi bật trước cửa đền thờ là tượng Nữ tướng Lê Chân cầm gươm đứng oai nghiêm giữa cảnh núi rừng hùng vĩ được dựng năm 2007.
Để tưởng nhớ công lao của Nữ tướng với dân với nước, hằng năm dân làng Hồng Sơn tổ chức lễ hội vào ngày 13/7 âm lịch (ngày Nữ tướng mất). Chính hội là ngày 13/7, nhưng thời trước, từ ngày mùng một tháng bẩy, người dân và du khách tới đền lễ rất đông. Phần hội ngày đó rất sôi động với nhiều môn thể thao, trò chơi dân gian như: Vật võ, đua thuyền, kéo co... 
Những năm gần đây, lễ hội đền thờ Nữ tướng Lê Chân tập trung chính từ ngày 11 - 13/7. Ngày 11/7, dân làng làm lễ cáo yết ở đền xin phép mở hội. Vào dịp lễ hội, đền đón tiếp rất nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh về đền tế lễ. Từ năm 1971, Thành Hội khoa học lịch sử thành phố Hải Phòng biết đền thờ Nữ tướng tại Hồng Sơn chính là nơi nữ tướng qua đời đã về thắp hương tưởng nhớ. Từ đó đến nay, năm nào cũng vậy, vào ngày chính hội, đoàn tế của quận Lê Chân, Hải Phòng, nơi nữ tướng dựng cờ khởi nghĩa đều về đền tế lễ. Nội dung văn tế nhắc tới công đức của Nữ tướng, cầu quốc thái dân an, cầu mưa thuận gió hòa, cầu cho người dân đi rừng, làm nương thuận lợi... Ngoài phần lễ, phần hội có thi giao hữu bóng chuyền hơi, tổ chức trò chơi bắt vịt...

Thời gian trôi qua, cảnh sắc, con người vùng đất nơi Nữ tướng đã ngã xuống có nhiều thay đổi. Nhưng công lao với dân, với nước của Nữ tướng tài sắc vẹn toàn luôn được các thế hệ tiếp nối lưu truyền và khắc ghi.

Nguồn tin: Báo Hà Nam

Tin mới